Úc cân nhắc hạn chế xuất khẩu khí đốt

Giới chức trách Úc đang cân nhắc yêu cầu một số nhà sản xuất khí đốt tái điều chuyển một số lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho các khách hàng trong nước để tránh nguy cơ thiếu hụt năng lượng trong năm sau.

Một động thái như vậy sẽ làm căng thẳng thêm nguồn cung năng lượng toàn cầu trong bối cảnh châu Âu đối mặt với rủi ro thiếu nhiên liệu trầm trọng trong mùa đông tới do Nga bóp nghẹt dòng chảy khí đốt sang khu vực này. Trong khi đó, các nền kinh tế châu Á bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc cũng chạy đua mua khí đốt để tích trữ cho mùa đông.

Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu đã nâng tầm quan trọng của sự ổn định nguồn cung khí đốt từ Úc, một trong những nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới. Úc chiếm 1/5 sản lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) xuất khẩu trên toàn cầu vào năm ngoái. Dù phần lớn nguồn cung của nước này được phân bổ cho các khách hàng ở châu Á theo các hợp đồng kỳ hạn, các nhà xuất khẩu LNG của Úc có thể chọn bán một phần sản lượng ra thị trường mở khi giá tăng cao.

Nhà máy sản xuất LNG của liên doanh Australia Pacific LNG ở bang Queensland, Úc. Ảnh: Mechademy

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và cơ quan quản lý cảnh báo Úc sẽ đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt trong nước và điều này có thể đẩy tăng lạm phát, kìm hãm đà phục hồi kinh tế ở thời kỳ hậu đại dịch Covid-19.

Các vấn đề năng lượng tồn tại dai dẳng ở phía đông của đất nước, chẳng hạn như sản lượng suy giảm ở các mỏ khí cũ cùng với những biến cố gần đây bao gồm lũ lụt ở các khu vực khai thác than, buộc các nhà máy điện của Úc sử dụng nhiều khí đốt hơn để sản xuất điện. Hậu quả là giá bán buôn năng lượng trên thị trường điện lớn nhất của Úc đã tăng gấp 3 lần trong quí 2. Các nhà sản xuất khí đốt ở Úc đã tận dụng giá năng lượng cao để bán các lô hàng LNG theo từng hợp đồng riêng lẻ. LNG xuất khẩu có giá cao hơn so với giá mà các khách hàng trong nước sẵn sàng trả.

Theo một cơ chế được thiết lập cách đây vài năm khi một số bang lớn nhất của Úc trải qua tình trạng mất điện, chính phủ Úc có thể yêu cầu các nhà sản xuất khí đốt ưu tiên cho nhu cầu trong nước với các điều khoản mua bán cạnh tranh. Quyền hạn khẩn cấp đó chưa bao giờ được sử dụng, nhưng gần đây, các nhà lập pháp Úc cho biết họ có thể sử dụng cơ chế này để giải quyết tình trạng thiếu hụt khí đốt trong năm tới.

Không phải tất cả các dự án LNG sẽ bị ảnh hưởng nếu chính phủ Úc quyết định kích hoạt cơ chế này. Không có một đường ống nào có thể vận chuyển khí đốt từ phía tây của đất nước, nơi có nhiều nhà máy sản xuất LNG, đến các thành phố lớn như Sydney ở phía đông. Thay vào đó, trọng tâm là cơ chế này nhắm đến là ba dự án xuất khẩu khí đốt ở bang Queensland: nhà máy sản xuất LNG của liên doanh Australia Pacific LNG và hai nhà máy sản xuất LNG của Tập đoàn dầu khi Shell (Anh) và Công ty thăm dò và sản xuất dầu khí Santos (Úc).

Bộ trưởng Tài nguyên Úc, Madeleine King cho biết bà sẽ yêu cầu các nhà sản xuất LNG cung cấp thông tin về sản lượng, khối lượng xuất khẩu dự kiến ​​và triển vọng thị trường. Bà nói rằng phản hồi này sẽ giúp xác định xem liệu cơ chế trên có cần kích hoạt hay không. Bà nói: “Đây là cơ hội để họ chứng minh rằng sẽ không xảy ra tình trạng thiếu hụt trong nước vào năm sau”.

Ngành công nghiệp khí đốt của Úc đã cảnh báo chính phủ rằng uy tín của đất nước sẽ bị tổn hại nếu áp đặt các giới hạn tạm thời về sản lượng LNG mà các nhà sản xuất có thể xuất khẩu. Trong một báo cáo gần đây gửi cho chính phủ, Santos đã kêu gọi loại bỏ cơ chế hiện tại vì dự án của công ty này sẽ bị tổn hại lớn nhất nếu nó được sử dụng.

Nguồn: thesaigontimes.vn

Để lại một bình luận