Đầu tháng 5/2023, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định chứng nhận Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) đủ điều kiện là thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG, đánh dấu một bước phát triển mới của PV GAS trong lĩnh vực kinh doanh khí. Với quyết định này, PV GAS tự hào là đơn vị đầu tiên có đủ điều kiện để thực hiện các hoạt động xuất, nhập khẩu và kinh doanh, phân phối LNG trên thị trường Việt Nam.
Vai trò của LNG trong phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn mới
LNG là một “giải pháp môi trường” có khả năng thay thế các năng lượng truyền thống đang sử dụng trong nước (than, dầu FO, DO, xăng…) và bổ sung cho nguồn khí nội địa đang khai thác hiện đã bước vào giai đoạn suy giảm. Có thể nói, LNG sẽ là nguồn năng lượng không thể thiếu đối với đất nước và sẽ sớm trở thành một thành phần quan trọng trong tăng trưởng năng lượng của quốc gia, hướng tới sản xuất xanh tại Việt Nam.
Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Theo nhận định, Quy hoạch điện VIII chính là “bàn đạp” để Việt Nam có thể bứt phá thông qua việc đưa vào các dự án điện LNG, làm tiền đề thúc đẩy hoạt động đầu tư và nhập khẩu loại nhiên liệu này vào Việt Nam, phục vụ cho sự phát triển của đất nước trong bối cảnh sản lượng khí nội địa suy giảm, sự không chắc chắn về tính thời vụ của thủy điện, sự thiếu ổn định của năng lượng tái tạo và lo ngại ngày càng tăng về tính bền vững của sản xuất nhiệt điện than, dầu.

PV GAS đã sẵn sàng nhập khẩu LNG cho thị trường Việt Nam
PV GAS – đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), với các hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp khí, trải dài từ khâu tồn trữ, vận chuyển, nhập khẩu đến phân phối các sản phẩm khí, bao gồm khí khô (Natural Gas – NG), khí dầu mỏ hóa lỏng (Liquefield Petroleum Gas – LPG), khí nén (Compressed Natural Gas – CNG) và LNG.
Hiện nay, PV GAS đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng, sẵn sàng cho công tác xuất, nhập khẩu và kinh doanh LNG với dự án Kho cảng LNG Thị Vải (tại Bà Rịa – Vũng Tàu) sẵn sàng đưa vào sử dụng từ tháng 7/2023. Kho cảng LNG Thị Vải sẽ là mắt xích quan trọng trong việc cung cấp khí tái hóa, cùng với việc đầu tư Kho cảng nhập khẩu LNG Sơn Mỹ với tổng công suất dự kiến khi hoàn thành lên đến 10 triệu tấn LNG/năm mà PV GAS là đồng chủ sở hữu với tỷ lệ góp vốn chiếm đa số. Cơ sở hạ tầng về LNG của PV GAS sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu năng lượng cho khu vực Nam bộ trong tương lai. Kho LNG Thị Vải sẽ là kho LNG đầu tiên và có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay, có công suất của giai đoạn đầu là 1 triệu tấn/năm, sau đó mở rộng lên 3 – 6 triệu tấn/năm. Kho cảng này có khả năng tiếp nhận được tàu LNG trọng tải lên đến 100.000 tấn, với các hạng mục chính của giai đoạn 1 gồm bồn chứa LNG có sức chứa 180.000 m3 và các thiết bị công nghệ được thiết kế theo các phiên bản mới nhất đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam và quốc tế.
Việc nhập khẩu, kinh doanh LNG trong năm 2023 sẽ là khởi đầu mới nhiều triển vọng và xác lập vị trí quan trọng trong quá trình chuyển dịch dài hạn sang điện khí LNG, đánh dấu một bước phát triển mới của đơn vị chủ đạo của ngành công nghiệp khí Việt Nam, khẳng định vai trò tiên phong của PV GAS, cũng như PVN trong việc thực hiện các chủ trương, chiến lược quốc gia về an ninh năng lượng.
Nguồn: erav.vn