Tình trạng bất ổn trên thị trường năng lượng sẽ còn kéo dài do nhiều yếu tố như xung đột địa chính trị đang diễn ra, sự nóng lên toàn cầu và biến động tỷ giá hối đoái. Bức tranh thị trường năng lượng quốc tế có thể được định hình lại trong năm nay.
Năm 2022, châu Âu đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng, thiếu hụt nhiên liệu trầm trọng, nhiều doanh nghiệp đóng cửa và kinh tế suy thoái. Nhờ điều chỉnh chính sách năng lượng trong nước, các quốc gia bị ảnh hưởng đã có dấu hiệu hồi phục.
Quy mô và độ phức tạp chưa từng có
Trong Báo cáo triển vọng năng lượng thế giới 2022, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định, thế giới đang ở giữa cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đầu tiên – một cú sốc về quy mô và mức độ phức tạp chưa từng có. Do nguồn cung bị thắt chặt, giá năng lượng quốc tế đã biến động mạnh từ năm ngoái. Khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine leo thang trong năm 2022, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga – nhà sản xuất và xuất khẩu năng lượng lớn trên thế giới. Vì vậy, nguồn cung năng lượng thế giới đã bị gián đoạn và khiến giá nhiên liệu bị đẩy lên cao. Báo cáo từ Viện nghiên cứu kinh tế Bruegel (Bỉ) được công bố vào tháng 9/2022 cho thấy, giá bán buôn điện và khí đốt đã tăng từ 5-15 lần kể từ đầu năm 2021 tại nhiều nước châu Âu. Chi phí để chính phủ các nước bù lại mức tăng giá điện và khí đốt trước khi thị trường tìm thấy điểm cân bằng mới với giá thấp hơn, là khoảng 1.000 tỷ Euro (1.070 tỷ USD).
Dư địa của khoản ngân sách “xoa dịu” ảnh hưởng của giá năng lượng tăng mạnh đối với người tiêu dùng bị hạn chế, do các khoản nợ công hiện có và mức độ tăng của giá nhiên liệu.
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã phô bày sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vì xung đột Nga-Ukraine, nguồn cung khí đốt đi qua các đường ống dẫn khí từ Nga sụt giảm mạnh, các nước châu Âu đã tăng cường nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhưng lại không có đủ kho chứa nhiên liệu này. Bên ngoài châu Âu, một phản ứng dây chuyền trên toàn thế giới đang diễn ra. Ấn Độ nhập khẩu lượng than cao kỷ lục. Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc đang xem xét khôi phục lại điện hạt nhân. Các quốc gia đang phát triển và kém phát triển phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu giờ phải cạnh tranh với các nước phát triển để mua nhiên liệu với giá cao. Ngược lại, các nhà xuất khẩu năng lượng của Mỹ đã thu được lợi nhuận khổng lồ và các quốc gia có trữ lượng khí đốt tự nhiên cao, chẳng hạn như ở Bắc Phi, đang cố gắng tăng xuất khẩu khí đốt.
Chờ đón đợt tăng giá mới
Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành của IEA nhận định, trong năm nay, chênh lệch cung cầu khí đốt của châu Âu được dự kiến lên tới 27 tỷ m3. Khối lượng thiếu hụt này chiếm khoảng 6,8% nhu cầu sử dụng khí đốt tự nhiên của châu Âu năm 2023. Tại Báo cáo thị trường dầu mỏ vào tháng 12/2022, IEA dự báo, quý III/2023 sẽ chứng kiến tình trạng thiếu hụt dầu thô nghiêm trọng và có thể lại có một đợt tăng giá mới.
Còn theo Báo cáo triển vọng năng lượng năm 2023, công ty phân tích năng lượng và hàng hoá S&P Global Commodity Insights (Mỹ) nhận định rằng mặc dù giá khí đốt tự nhiên, than đá và dầu thô dự kiến sẽ giảm trong năm 2023, song thị trường năng lượng và khí đốt ở châu Âu có thể bị thắt chặt hơn vào năm 2023. Với giá khí đốt tự nhiên dự kiến sẽ vẫn ở mức tương đối cao so với trung bình của nhiều năm, nhiều khả năng các chính phủ sẽ đặt trọng tâm vào cải cách cơ cấu thị trường điện của châu Âu để làm suy yếu mối liên hệ giữa giá khí đốt và giá điện trong năm 2023. Những năm tới, nguồn cung năng lượng toàn cầu sẽ còn bấp bênh hơn, tình trạng thiếu hụt nhiên liệu ngắn hạn sẽ thường xuyên xảy ra.
Nga có thể vẫn bị hạn chế sản xuất và xuất khẩu dầu thô và khí đốt. Vì mục tiêu trung hoà carbon, các nước sẽ ít đầu tư vào khai thác nhiên liệu hóa thạch hơn mà chuyển sang phát triển năng lượng tái tạo. Chi phí năng lượng cao có thể khiến các lĩnh vực thâm dụng nhiên liệu ở các nước châu Âu phải thu hẹp sản xuất, đóng cửa nhà máy hoặc chuyển đổi mô hình sản xuất. Ông Oliver Falck, giám đốc Trung tâm công nghiệp và công nghệ mới của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo (Đức), cho rằng, giá năng lượng vẫn cao như hiện nay trong thời gian dài có thể khiến một số ngành công nghiệp rời khỏi Đức.
Sẽ có bước ngặt lịch sử?
Các chuyên gia cho biết, giá nhiên liệu cao sẽ buộc châu Âu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và chuyển sang sử dụng nhiều năng lượng xanh hơn, tuy nhiên các nỗ lực có thể không giải quyết được tình trạng nguy cấp trước mắt. Tháng 5/2022, Ủy ban Châu Âu (EC) công bố kế hoạch tham vọng mang tên REPower EU, nhằm giúp Liên minh châu Âu (EU) thoát năng lượng của Nga từ năm 2027. Kế hoạch trên tìm cách giúp các nước chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Moscow, sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine bằng cách đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng và đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo, giảm lượng khí thải nhà kính trong quá trình này. Là một phần của kế hoạch REPowerEU, châu Âu tuyên bố sẽ đầu tư 210 tỷ Euro trước năm 2027 cho quá trình chuyển đổi xanh, bao gồm đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng và tăng tốc triển khai năng lượng tái tạo để thay thế nhiên liệu hóa thạch. Kế hoạch cũng đề xuất tăng mục tiêu hiệu quả năng lượng từ 9% lên 13% và tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng tiêu thụ của EU từ 40% lên 45% vào năm 2030.
Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu là động lực để các nước triển khai nhiều dự án năng lượng tái tạo với tăng trưởng công suất năng lượng tái tạo trên toàn thế giới dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi từ năm 2022-2027.
Nguồn năng lượng từ gió và mặt trời được dự đoán sẽ chiếm 90% công suất năng lượng tái tạo trong 5 năm tới. Ông Birol cho rằng, đây là một ví dụ rõ ràng về việc cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay có thể trở thành một bước ngoặt lịch sử hướng tới một hệ thống năng lượng sạch hơn và an toàn hơn.
Mặc dù giá nhiên liệu tăng cao có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nhưng một số chuyên gia lo ngại, cuộc khủng hoảng hiện nay có thể khiến một số quốc gia phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống nhiều hơn. Tờ The Economist nhận định, năm 2023, hầu hết các quốc gia sẽ phát triển cả năng lượng hóa thạch và năng lượng mới để giải quyết cú sốc năng lượng. Trong ngắn hạn, các nước sẽ chấp nhận đầu tư vào khai thác nhiên liệu truyền thống để đảm bảo sự ổn định năng lượng.
Về lâu dài, các quốc gia sẽ áp dụng chính sách công nghiệp do nhà nước dẫn dắt nhằm nỗ lực đẩy nhanh quá trình xây dựng các dự án năng lượng tái tạo.
Nguồn: moit.gov.vn