Giá khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại các thị trường châu Á, châu Âu liên tục giảm mạnh do khí hậu và lượng hàng tồn kho lớn. Đây có thể là cơ hội để Việt Nam nhập khẩu và chuyển dịch dài hạn sang điện khí LNG.
Diễn biến thị trường năng lượng thế giới và châu Á:
Thị trường năng lượng toàn cầu đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ và chưa có tiền lệ kể từ đầu năm 2022, khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Giá các mặt hàng năng lượng nói chung và LNG nói riêng tăng vọt, liên tục phá vỡ các đỉnh giá trong lịch sử.
Năm 2023, lần đầu tiên Nga đóng đường ống khí đến châu Âu như một động thái “trả đũa các quốc gia không thân thiện”. Động thái này làm ảnh hưởng không nhỏ đến phần còn lại của thị trường năng lượng toàn cầu. Mặt bằng giá LNG dao động bất thường (chủ yếu vì các quốc gia châu Âu – thị trường truyền thống của khí đường ống giá rẻ từ Nga) chuyển sang thu mua LNG từ Mỹ và Trung Đông – những nhà cung cấp chính cho thị trường Đông Bắc Á.
Tuy nhiên, trái với nhận định: Khí đốt hiện trở nên quá đắt đỏ và sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn, giá khí đốt ở châu Âu liên tục giảm sâu do khí hậu ôn hòa và lượng hàng tồn kho cao. Giá khí tự nhiên tại khu vực châu Âu (được giao dịch qua trung tâm TTF tại Hà Lan) trung bình trong tháng 5/2023 là 10,11 USD/MMBtu, giảm hơn 25% so với tháng trước. Lượng khí tồn kho của châu Âu (cuối tháng 4/2023) đạt 62 tỷ m3, tăng 80% so với năm trước và cao hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm (40 tỷ m3).
Nhu cầu công nghiệp tại châu Á vẫn chưa quay trở lại và không có cú sốc cung đáng kể nào đã kéo giá LNG xuống 9,88 USD/MMBtu (mức thấp nhất trong hai năm qua). Nhu cầu LNG tại Trung Quốc giảm so với kỳ vọng, do nước này khôi phục sử dụng than và năng lượng tái tạo, với giá LNG bán lẻ (vận chuyển bằng xe bồn) thấp hơn giá LNG trên thị trường spot.
Còn tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ vẫn có đủ hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Thị trường LNG toàn cầu dự kiến sẽ trở lại trạng thái cân bằng trong giai đoạn 2026 – 2027 khi làn sóng lớn các dự án sản xuất LNG mới đi vào hoạt động. Hoa Kỳ dự kiến đưa vào vận hành một loạt nhà máy sản xuất LNG mới, kéo theo sản lượng tăng thêm hơn 104 triệu tấn/năm. Xuất khẩu khí đốt của Bắc Mỹ dự kiến đạt 135,8 tỷ mét khối vào năm 2023, tăng 14% so với năm ngoái. Mexico sẽ trở thành nhà xuất khẩu LNG ròng sau khi đưa dự án FLNG Altamira vào vận hành.
Giải pháp hiệu quả cho nhu cầu năng lượng của Việt Nam:
Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu tổng quát: “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Ngành năng lượng phát triển hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại”.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050 đã định hình rõ nét bài toán phát triển năng lượng LNG trong tương lai.
Ngày 30/12/2022, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2976/QĐ-BCT về Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia trên toàn quốc năm 2023. Trong đó, sản lượng điện sản xuất từ khí thiên nhiên chiếm khoảng 10,4% tổng sản lượng điện quốc gia. Theo kế hoạch này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các bên trong hệ thống khí khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ sẽ cung cấp khoảng 5,6 tỷ m3 khí (khu vực Đông Nam bộ khoảng 4,3 tỷ m3 và Tây Nam bộ khoảng 1,3 tỷ m3) cho sản xuất điện trong năm 2023. Tuy nhiên, trong quý 1/2023 vừa qua, nhu cầu huy động khí thiên nhiên cho sản xuất điện chỉ ở mức thấp, với lượng khí huy động cho các nhà máy điện tính đến hết tháng 4/2023 chỉ đạt 96% kế hoạch của Bộ Công Thương phân giao.
Sản lượng điện được sản xuất bởi các nhà máy thủy điện đang sụt giảm do mực nước tại các hồ thủy điện xuống thấp. PVN và PV GAS đã có những ưu tiên về nguồn khí phục vụ cho sản xuất điện trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2023.
Từ những số liệu và thông tin thị trường nêu trên, có thể thấy với mức giá LNG ở thời điểm hiện tại là hết sức phù hợp, đáp ứng không chỉ nhu cầu phát điện mà còn là nhiên liệu đầu vào để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhóm khách hàng công nghiệp tại Việt Nam.
Nguồn: nangluongvietnam.vn