Việc châu Âu ra sức gom khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được truyền thông quốc tế mô tả: “Sự thèm muốn LNG của châu Âu khiến các nước đang phát triển thiếu khí đốt”, “Châu Á nhận được rất ít LNG do nhu cầu của châu Âu tăng”…
LNG là loại khí thiên nhiên được hóa lỏng ở nhiệt độ rất thấp, có giá đắt đỏ, và được coi là một giải pháp năng lượng sạch hơn thay cho dầu lửa và than đá.
Nhiều nước châu Âu, vốn lo sợ bị bỏ lại trong “bóng tối” vào mùa đông tới do cuộc khủng hoảng năng lượng sau xung đột Nga – Ukraine, đang tăng cường mua trữ LNG bất chấp giá cao.
Sẵn sàng mua giá cao hơn
Báo Financial Times nhận định “cơn khát” LNG áp đảo từ châu Âu – với lý do để thay cho khí đốt nhập khẩu của Nga – đang làm cho các nước đang phát triển khó tiếp cận năng lượng này.
Theo dữ liệu từ công ty phân tích hàng hóa ICIS gần đây gửi cho Financial Times, nhu cầu LNG của Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Pakistan và Bangladesh sẽ có mức giảm lớn nhất trong năm 2022, giảm 34,5 triệu tấn so với dự báo năm ngoái.
Trung Quốc có thể sẽ không còn là nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới trong năm nay, sau khi đã vượt qua Nhật Bản vào năm ngoái.
Con số 34,5 triệu tấn nói trên tương đương với khoảng 9% nguồn cung LNG toàn cầu vào năm 2021. Khí LNG vốn đắt đỏ và nhu cầu của một số nước đang phát triển giảm, nhưng các nước giàu lại đang trả giá cao hơn để mua LNG và cố gắng trữ đầy kho nhiên liệu.
Hiện tại 70% lượng LNG xuất khẩu trên thị trường toàn cầu được thực hiện theo các hợp đồng dài hạn. 30% còn lại bán trên thị trường giao ngay – một cơ chế đang trở nên hấp dẫn hơn với các nước châu Âu vốn trước đây không quá chuộng LNG.
Theo Hãng tin Bloomberg, để có thêm nhiên liệu, các nước châu Âu sẽ cần mua thêm một lượng LNG đáng kể từ thị trường giao ngay so với mức họ mua được theo hợp đồng dài hạn. Điều này càng làm tăng thêm sự cạnh tranh với châu Á.
Nhu cầu LNG ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan dự kiến sẽ tăng thêm tổng cộng 46,6 triệu tấn trong năm nay. Trong đó, châu Âu (tính luôn cả Vương quốc Anh), chiếm tới 85% trong tổng mức tăng nhu cầu.
Theo dữ liệu của Hãng tin Anadolu Agency, lượng LNG mà châu Âu nhập khẩu từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay đã tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái.
Gây thêm khủng hoảng
Việc châu Âu đổ xô mua LNG có nguy cơ đẩy nhiều nền kinh tế đang phát triển lún sâu hơn vào khủng hoảng năng lượng, và có thể kéo dài sự phụ thuộc của họ vào nhiên liệu bẩn.
Mức giá cao của LNG và các nguồn nhiên liệu khác có ảnh hưởng đặc biệt lớn tới các nước ở Nam Á vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên nhập khẩu để phát điện. Chẳng hạn, cả Pakistan và Bangladesh đều bị mất điện trên diện rộng trong những tháng gần đây vì thiếu LNG.
Ngoài ra, những nước đang phát triển không thể mua được LNG đang chuyển sang các dạng nhiên liệu bẩn ngày càng nhiều hơn. Ở Pakistan, tình trạng thiếu LNG đã khiến nhu cầu than đá mua từ nước láng giềng Afghanistan tăng vọt.
Một số nhà nghiên cứu ước tính lượng than đá của Afghanistan xuất sang Pakistan đã tăng gấp đôi trong năm nay.
Các nhà kinh doanh LNG cũng đang trục lợi từ sự chênh lệch về giá cả trên thị trường toàn cầu vì nhiều nước đang mua loại hàng này trên thị trường giao ngay.
Một nhà kinh doanh LNG cho biết kể từ mùa hè năm ngoái, khi giá khí đốt bắt đầu tăng ở cả châu Á và châu Âu, ông đã chứng kiến “một số trường hợp” các công ty trong ngành hủy hợp đồng dài hạn và bán LNG trên thị trường giao ngay với giá cao hơn, bất chấp “nguy cơ phá hủy hoàn toàn lòng tin”.
Với nhu cầu LNG của các nước giàu tăng mạnh, có thể nói thị trường LNG sẽ tiếp tục bị siết chặt cho đến năm 2025 – 2026, thời điểm một số nhà máy cung cấp LNG lớn hơn mới đi vào hoạt động.
Cuộc chiến đấu thầu
Ông Alex Siow, nhà phân tích khí đốt hàng đầu tại ICIS, cho biết các quốc gia như Pakistan và Bangladesh “đã và đang chi trả nhiều nhất có thể trong cuộc chiến đấu thầu, chủ yếu là cạnh tranh với châu Âu, về các hàng hóa giao ngay”.
Hồi tháng 7, nhà cung cấp năng lượng Pakistan LNG Limited (PLL) đã thất bại trong một cuộc đấu thầu nhập khẩu 10 lô hàng LNG.