Khí hóa lỏng (LNG) từ Mỹ sang châu Âu gặp thêm thách thức sau sự cố cháy một nhà ga và nhiều người Mỹ muốn hạn chế xuất khẩu.
Sau khi khủng hoảng Ukraine nổ ra vào tháng 2, châu Âu đã cố gắng tìm các nguồn khí đốt mới, như từ Mỹ, để giảm phụ thuộc vào nguồn cung của Nga. Tuy nhiên, những nỗ lực đó đã bị cản trở đáng kể vào thứ ba (14/6), khi một công ty khí đốt của Mỹ thông báo sẽ mất vài tháng để sửa chữa Freeport – một cảng xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) ở Texas – bị cháy nổ giữa tuần trước.
Sự cố này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 14% lượng LNG xuất khẩu của Mỹ trong bối cảnh có thông tin rằng tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) sẽ giảm nguồn cung khí đốt đến Đức thông qua đường ống Nord Stream.
Hai thông tin trên đã khiến giá khí đốt tại châu Âu tăng hơn 16% hôm qua. Giá khí đốt tự nhiên tại Mỹ thì ngược lại, giảm hơn 16%.
Trước đó, các quan chức ước tính cần ba tuần để nhà ga LNG bị nổ hoạt động trở lại. Tuy nhiên, sau khi tính toán, công ty sở hữu nhà ga cho biết phải cần đến 90 ngày. “Việc hoàn thành các công đoạn sửa chữa cần thiết và đưa nhà máy trở lại hoạt động bình thường sẽ rơi vào khoảng cuối năm 2022”, công ty cho biết.
Mỹ từ lâu đã xuất khẩu khí đốt sang Canada và Mexico bằng đường ống. Xuất khẩu LNG cũng dần tăng trong thập kỷ qua do sản lượng khai thác trong nước tăng lên. Những năm gần đây, phần lớn lượng LNG xuất khẩu là sang châu Á.
Châu Âu đang tìm thêm khí đốt từ các nhà cung cấp khác, như Qatar, Azerbaijan và các quốc gia ở Bắc, Tây Phi, bao gồm Nigeria và Senegal. Họ cũng đang vận động Australia và các nhà xuất khẩu khác nhanh chóng vận chuyển nhiều khí đốt hơn. Theo hãng phân tích dữ liệu Refinitiv, nhập khẩu LNG của châu Âu đã lên kỷ lục trong 5 tháng đầu năm. Sản lượng những tháng đó cao hơn tất cả các tháng kể từ năm 2012.
Trong 13 ngày đầu tháng 6, dữ liệu của Refinitiv cho thấy 4,08 triệu tấn LNG đã được bốc dỡ tại các cảng châu Âu. Họ ước tính châu lục này nhập khẩu khoảng 9,4-9,8 triệu tấn trong tháng 6. Sản lượng này thấp hơn mức 11,29 triệu tấn tháng trước, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức 6,11 triệu cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu mới nhất từ Cơ sở hạ tầng khí Châu Âu cho thấy các kho dự trữ của toàn bộ khu vực EU đã đầy hơn một nửa. Tuy nhiên, con số của từng nước rất khác nhau. Hungary, Croatia và Bulgaria có khối lượng thấp hơn nhiều so với Ba Lan và Bồ Đào Nha.
“Trong bối cảnh Gazprom tiếp tục đem nguồn cung năng lượng ra để đe dọa, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc sâu với các quốc gia thành viên để cải thiện khả năng sẵn sàng cho những gián đoạn có thể xảy ra, như thông qua kế hoạch dự phòng phối hợp và thực hiện các quy tắc mới về dự trữ khí đốt”, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết.