Không ít ý kiến tranh luận về điện khí tự nhiên hóa lỏng LNG, cho rằng loại hình sản xuất điện này phát thải khí nhà kính ít hơn 50% so với than đá; cũng có nhiều thuận lợi trong sản xuất và cung ứng. Tuy nhiên, rủi ro thách thức từ điện khí LNG cũng không phải là ít…
Bài toán thiếu điện ở Việt Nam vẫn nóng bao năm qua và còn nóng hơn trong những ngày hè gay gắt kỷ lục này. Nhiều ý kiến cho rằng, phải cải thiện hiệu quả của điện gió, điện mặt trời (sử dụng năng lượng tái tạo và thân thiện với môi trường) để đảm bảo an ninh năng lượng trong một thế giới nhiều biến động như lúc này.
Thế nhưng, khi điện gió, điện mặt trời (năng lượng sạch) chưa đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng và sản xuất, thì việc tìm các nguồn điện bổ sung để đảm bảo bài toán năng lượng là vô cùng cần thiết. Trước các rủi ro của điện than, điện hạt nhân, một số ý kiến nghĩ tới: điện khí tự nhiên LNG có phát thải khí “độc hại” bằng một nửa so với điện than, lại có thể làm lạnh và giảm thể tích của chúng xuống tới 600 lần để vận chuyển trước khi phát ra điện bằng một hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư quy mô bài bản. Bằng chứng là một số quốc gia châu Âu đã chính thức có lộ trình sử dụng điện khí rộng rãi trong thời gian tới, Đông Nam Á cũng nổi lên là thị trường nhập khẩu điện khí tự nhiên LNG tiềm năng nhất châu Á.
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến vẫn tỏ ra băn khoăn và cảnh báo rủi ro thách thức cần vượt qua khi tính đến bài toán điện khí LNG.
Theo Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), quá nhiều thách thức mà các dự án phải đối mặt, các mốc thời gian mà các nhà đầu tư tham vọng đạt được trong cam kết tiến độ dự án rất khó khả thi. Lý do là bởi các dự án LNG phụ thuộc vào nhiều cấu phần biến động và rủi ro cao và cả những vấn đề về cơ chế chưa theo kịp. Giá điện từ các đơn vị sản xuất điện khí LNG được đánh giá sẽ cao hơn so với mặt bằng ở thị trường Việt Nam. Nếu không có “cơ chế” để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (PVN) mua rồi hòa vào lưới điện quốc gia, thì chắc chắn giá cả sẽ là yếu tố vô cùng thách thức đối với các dự án LNG.
Thêm nữa, chi phí biên của điện gió và điện mặt trời ngày càng rẻ, trong khi điện than và điện khí LNG thì không có được tương lai đó.
Để giải bài toán này, trước mắt chúng ta cần có thái độ rõ ràng như một “kim chỉ nam” trong hành động đó là năng lượng tái tạo phải được ưu tiên hàng đầu – đó là thứ quan trọng nhất để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, để vừa có an ninh năng lượng, vừa chống biến đổi khí hậu và các hậu quả môi trường thảm khốc khác. Điện than hay điện khí vẫn là sử dụng năng lượng hóa thạch, vẫn phát thải khí nhà kính và đều là nguồn nhiên liệu có thể cạn kiệt và gây hậu quả cho môi trường sống. Cải thiện, mở rộng, nâng cấp, ứng dụng khoa học hiện đại trong phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt năng lượng mặt trời, năng lượng gió – trong đất liền và ngoài khơi xa đại dương tăng cường pin tích trữ điện từ năng lượng tái tạo. Đó là cách tốt nhất để Việt Nam thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Báo cáo gần đây của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cũng đã phân tích: Các dự án LNG vẫn phát thải ra một lượng khí nhà kính đáng kể trong toàn bộ quá trình sản xuất. Xem xét toàn bộ vòng đời của các dự án LNG từ khai thác, hóa lỏng và vận chuyển cho đến tái khí hóa và sử dụng, một lượng khí mê-tan (CH4) nhất định sẽ được giải phóng trong mỗi giai đoạn. Xét về khí nhà kính, CH4 có khả năng gây nóng lên toàn cầu cao hơn khoảng 80 lần so với CO2 trong khoảng thời gian 20 năm và cao hơn 28 lần trong khoảng thời gian 100 năm. Do đó, một số nghiên cứu đã nêu lên mối lo ngại về những lợi ích cho giảm thiểu biến đổi khí hậu được cho là đến từ việc chuyển đổi từ than đá sang LNG.
Trong hội nghị COP26 vào cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 và không phát triển thêm dự án điện than từ sau năm 2030. Theo quy hoạch điện VIII, việc đầu tư vào dự án điện than cũng sẽ được giảm dần rồi loại bỏ hoàn toàn vào năm 2050. Năng lượng tái tạo sẽ thay thế nhiên liệu hóa thạch về lâu dài. Với sự góp mặt của thủy điện tích năng, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu năng lượng sẽ tăng từ 26% vào năm 2020 lên tới 67,5 đến 71,5% vào năm 2050.
Cam kết của Việt Nam trước quốc tế về việc đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt cả trong và ngoài nước. Muốn đạt được mục tiêu trên, việc chuyển dịch sang những nguồn năng lượng sạch hơn (như điện mặt trời, điện gió, thay vì than đá, dầu hay khí LNG) đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
Trong bối cảnh kể trên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần ưu tiên các công nghệ hoặc phương pháp sản xuất điện thân thiện với môi trường, phát triển và tăng hiệu xuất của điện gió, điện mặt trời; đồng thời tập trung vào quản lý nhu cầu năng lượng, phát triển lưới điện thông minh, nâng cao hiệu quả năng lượng nhằm giảm áp lực lên việc cung cấp công suất bổ sung và hệ thống lưu trữ năng lượng…
Nguồn: thuongtruong.com.vn