Các dự án điện khí LNG tại Việt Nam (4)

LNG Cà Mau 3 – dự án tua bin khí hỗn hợp Cà Mau 3

Dự án Nhà máy điện Cà Mau 3 sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại Khu công nghiệp Khánh An, huyện U Minh, (dự án nằm cạnh Khu Khí – Điện – Đạm Cà Mau), do Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư.

Theo hồ sơ dự án, Nhà máy điện Cà Mau 3 được xây dựng với tua bin khí hỗn hợp sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), công suất đặt khoảng 1.500 MW, tiêu thụ 1,2 triệu tấn LNG/năm. Dự kiến trong năm 2026 – 2027 dự án sẽ được đưa vào vận hành với sản lượng điện 9 tỷ kWh/năm, với tổng mức đầu tư dự án gần 35.000 tỷ đồng.

Dự án Nhà máy điện Cà Mau 3 được xây dựng sẽ góp phần đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Nam trong bối cảnh dự án nhiệt điện quy hoạch giai đoạn 2026 – 2030 bị chậm tiến độ; đồng thời tăng cường độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất truyền tải, nâng cao chất lượng điện năng trong khu vực.

LNG Đồng Nai – dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4

Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 được xây dựng tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; thuộc Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), do Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư, với tổng công suất từ 1.300 – 1.760 MW. Dự án gồm hai nhà máy điện, mỗi nhà máy công suất khoảng 650 MW – 880 MW. Tổng vốn đầu tư là 32.481 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu là 25% và vốn vay là 75%. Dự án sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ kho cảng LNG Thị Vải, tiêu thụ khoảng 1,4 triệu tấn LNG/năm và nhiên liệu dự phòng là dầu DO.

Ngày 14/03/2022, PV Power và liên doanh nhà thầu Samsung C&T Corporation, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) đã ký kết hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế – mua sắm – xây dựng – lắp đặt – chạy thử và nghiệm thu) và các thỏa thuận liên quan. Theo kế hoạch, dự án sẽ đưa vào vận hành năm 2024 – 2025. Khi đó, mỗi năm nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ KWh; góp phần thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch tại Việt Nam; tăng nguồn thu thuế hàng ngàn tỷ đồng cho tỉnh; đồng thời, tạo việc làm cho nhiều lao động trong thời gian xây dựng cũng như giai đoạn vận hành.

Đây là dự án nhiệt điện sở sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên tại Việt Nam, dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Ký kết hợp đồng EPC giữa PV Power với liên danh nhà thầu Sam Sung C&T và Lilama. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

LNG Khánh Hòa

Dự án trung tâm điện khí LNG và kho cảng LNG của nhà đầu tư Mỹ – Công ty Millennium Energy, có tổng mức đầu tư khoảng 27 tỷ USD, riêng dự án điện khí là 22,5 tỷ USD. Hai dự án này dự kiến xây dựng tại khu vực phía Nam khu kinh tế Vân Phong, (thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Diện tích nghiên cứu dự án khoảng 360 ha.

Dự án điện khí LNG có công suất 4.800MW với 4 tổ máy, được chia làm 2 giai đoạn xây dựng, mỗi giai đoạn 2.400MW, sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, với mức vốn đầu tư 4,7 tỷ USD. Giai đoạn 1 vận hành thương mại vào 2027 – 2030 và giai đoạn 2 sau năm 2030. Đối với kho cảng đầu mối LNG Vân Phong, doanh nghiệp đề xuất xây dựng hệ thống kho chứa có tổng công suất 17 triệu m3 khí thiên nhiên hóa lỏng, được phân chia nhiều giai đoạn xây dựng. Tổng vốn đầu tư cho dự án này dự kiến lên đến 22,5 tỷ USD.

Khánh Hòa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ nhà đầu tư sớm hoàn tất thủ tục trong quá trình nghiên cứu và triển khai các dự án nói trên.

Một góc khu kinh tế Vân Phong. Ảnh: An Phước

LNG Nghi Sơn – Thanh Hóa

Dự án khu phát triển GAS & LNG và các loại hình phụ trợ lọc hóa dầu do Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát – CTCP làm chủ đầu tư, vị trí tại khu kinh tế Nghi Sơn. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 3.938 tỷ đồng.

Theo quyết định, dự án được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I đã được khánh thành vào tháng 7/2021. Quy mô giai đoạn này gồm kho xăng dầu có 14 bể chứa, với tổng dung tích 165.500m3; kho LNG có 2 bể chứa với dung tích trên 2.000m3; 3 cảng nhập xuất xăng dầu có công suất 3.000 tấn, 2 cảng 12.000 tấn, 1 cảng 80.000 tấn với các cầu cảng, tuyến luồng và khu quay trở. Theo điều chỉnh, giai đoạn này có vốn đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng.

Giai đoạn II bao gồm đầu tư tuyến luồng nhánh chuyên dùng, khu quay trở tàu và 1 bến nhô có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 20.000 tấn; bến neo đậu cho tàu dịch vụ hậu cần cảng. Quy mô vốn đầu tư giai đoạn này hơn 938 tỷ đồng, triển khai từ tháng 12/2021 đến tháng 6/2023.

Giai đoạn III dự án có vốn đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng, gồm hạng mục đầu tư đê chắn sóng và 1 bến nhô có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 20.000 tấn. Dự kiến được triển khai từ tháng 7/2023 đến tháng 12/2025.

UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát – CTCP có trách nhiệm khẩn trương triển khai thực hiện và hoàn thành đưa dự án vào hoạt động đảm bảo tiến độ đúng với các nội dung chủ trương đầu tư dự án.

Một góc tổng kho xăng dầu Anh Phát tại khu kinh tế Nghi Sơn. (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Nguồn: tham khảo

Xem thêm: Các dự án điện khí LNG tại Việt Nam (1)

Các dự án điện khí LNG tại Việt Nam (2)

Các dự án điện khí LNG tại Việt Nam (3)

Để lại một bình luận